Header Ads

Bệnh viện, gia đình là môi trường lây lan MERS-CoV cao nhất

Trong khi nhiều người dân tỏ ra hoang mang, lo sợ trước nguy cơ bùng phát bệnh tại cộng đồng, thì các nhà khoa học có mặt trong Phiên Thảo luận về dịch bệnh MERS – CoV tại Hội nghị Nhà báo khoa học thế giới, ngày 9.6 lại khẳng định: “Môi trường bệnh viện, gia đình là môi trường có nguy cơ cao nhất để virus lây lan. Sự lây lan trong cộng đồng là không có”.

Lây mạnh nếu tiếp xúc gần

Ông Kee – Jong Hong - Giám đốc viện Pasteur của Hàn Quốc này cho biết: Virus MERS - CoV được tìm thấy năm 2012, nó xuất phát từ loài Dơi, lây nhiễm qua lạc đà và truyền đến người. “Do tính chất cấu trúc khác với virus SARS nên con virus này không lây lan nhiều. Nó không lây lan trong không khí, nhưng virus MERS – CoV lại ở trong cơ thể con người rất là lâu, nên sau khi gặp điều kiện thuận lợi (bệnh nặng, lượng virus phán tán lớn, môi trường đông người, tiếp xúc gần) nó sẽ lây lan sang người khác”- ông Kee – Jong Hong nói.

Du khách Việt Nam khi đi du lịch cần mang khẩu trang phòng bệnh (ảnh chụp tại Seoul, Hàn Quốc)

Trả lời câu hỏi của phóng viên Martin ENSERINK (tờ Science Magazine) về việc liệu MERS có khả năng lây truyền trong cộng đồng khi người dân tham gia tầu điện ngầm và tiếp xúc ở nơi công cộng, như rạp chiếu phim,… ông Sung – Han Kim - Viện Dịch tễ Hàn Quốc cho biết: “Dựa vào bệnh án của người bệnh và điều tra từ các bệnh nhân cho thấy không có sự lây lan trong cộng đồng, như tàu điện ngầm, rạp chiếu phim”. Tuy nhiên, ông này vẫn khuyên người dân nên mang khẩu trang khi nhiễm cúm, vì nếu sức đề kháng kém, nếu tiếp xúc với những bệnh nhân thì rất dễ lây.

Cũng theo ông này, khi con người có những triệu chứng như: Cảm, ho thì con virus này sẽ theo hô hấp phát tán ra xung quanh, lúc đó mới lây nhiễm sang cho người khác. Thường thì chỉ khi bệnh nhân bị nhiễm bệnh, trong giai đoạn nặng (lúc này đã phát bệnh, có biểu hiện và được cách ly trong bệnh viện) thì mới dễ truyền bệnh cho người khác. 

Ông Sung – Han Kim - Viện Dịch tễ Hàn Quốc trả lời các câu hỏi của PV

Nguy cơ nhiễm MERS – CoV ở Việt Nam?

Cùng với thông tin phân tích từ các tổ chức quốc tế, tại Việt Nam nhiều chuyên gia, tờ báo cũng đã đăng các thông tin cảnh báo, cũng như chỉ dẫn cách phòng chống bệnh MERS – CoV. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn không hiểu cơ chế lây lan, cũng như các phòng chống bệnh phù hợp. Chính vì vậy, họ tỏ ra rất hoang mang, lo sợ. Thậm chí, có người còn hủy cả chuyến đi tới vùng đang có công bố là có dịch.

Phóng viên Martin ENSERINK (tờ Science Magazine) hỏi về khả năng MERS – CoV lây lan trong cộng đồng. 

Nói về dịch bệnh MERS – CoV và khả năng lây truyền bệnh tại Việt Nam, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là căn bệnh không mới. Người dân không cần quá lo lắng do nó chỉ lây qua tiếp xúc gần như: Chăm sóc, ở chung, nằm chung phòng bệnh với người mắc…. Thực tế, những người mắc MERS tại Hàn Quốc đều là lây chéo, từ gia đình và bệnh viện”.

Nói về nguy cơ Việt Nam có thể có dịch MERS, trên trang facebook cá nhân, bác sĩ Khanh nói: Nguy cơ mắc là có thể bởi lượng người đi lại, giao thương giữa Hàn Quốc và Việt Nam rất nhiều. Nhưng do người Việt sang Hàn ít vào các bệnh viện Hàn Quốc, mà người dân Việt Nam có qua Trung Đông thì cũng chẳng mấy ai cưỡi hay uống sữa lạc đà nên khả năng lây nhiễm bệnh cũng không cao.

“Virus MERS – CoV này thích nghi tốt nhất ở nhiệt độ tầm 20 độ và độ ẩm khoảng 40%, nhưng ở Việt Nam thì nóng và độ ẩm cao nên hy vọng nếu vào Việt Nam thì độc lực của nó sẽ giảm đi” – bác sĩ Khanh chia sẻ. 

“Người dân khi đi tới vùng có dịch thì không nên vào bệnh viện, không tiếp xúc với lạc đà. Hai tuần đầu mà thấy ho sốt thì lo mang khẩu trang, sau đó phải đi khám bệnh. Đặc biệt, cần tuân thủ nghiêm việc điền các tờ khai y tế để mấy y bác sĩ, cơ quan chức năng biết kiểm soát khi mắc MERS – CoV”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cảnh báo người dân về cách phòng ngừa dịch MERS – CoV khi đi du lịch
Loading...
Được tạo bởi Blogger.
VIETAD
VIETAD