Dịch MERS-CoV có thực sự nguy hiểm?
Dù là bệnh có nguy cơ tử vong cao (tỷ lệ chết/mắc từ 35% đến 40%) nhưng người dân cũng không nên lo lắng thái quá về MERS-CoV bởi tính bền vững của vi rút ngoài môi trường khá kém, không giống các loại vi rút khác như SARS, H5N1...
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: Vi rút MERS-CoVcó thể có nguồn gốc từ loài dơi rồi truyền sang lạc đà, sau đó lạc đà trở thành ổ chứa vi rút chính lây bệnh tiên phát sang người. Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết đường hô hấp trong nhóm người có tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1
Theo bác sĩ Khanh, đây là căn bệnh không mới. Người dân không cần quá lo lắng do nó chỉ lây qua tiếp xúc gần như: Chăm sóc, ở chung, nằm chung phòng bệnh với người mắc… chứ không phải có cơ chế lây lan rộng rãi như các dịch bệnh SARS hay H5N1.
Thưa bác sĩ, bác sĩ đánh giá thế nào về dịch bệnh MERS-CoV đang gây hoang mang trên thế giới?
Theo ghi nhận hiện nay, việc lây nhiễm MERS-CoV ở một số nước khu vực Trung Đông là từ lạc đà sang người; riêng ở Hàn Quốc có ghi nhận là từ người sang người. Thực tế tỷ lệ tử vong của người nhiễm bệnh này ở Hàn Quốc là thấp hơn nhiều so với ở các nước khu vực Trung Đông. Lý do là vi rút này có tính bền vững ngoài môi trường khá kém (thích nghi tốt nhất ở nhiệt độ 20 độ và độ ẩm khoảng 40%). Thêm vào đó, các ca nhiễm chủ yếu xảy ra là do tiếp xúc gần chứ dịch bệnh này không có cơ chế lây lan rộng như một số dịch bệnh truyền nhiễm khác. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày.
Người bệnh có biểu hiện từ nhẹ như sốt, ho đến nặng hơn như khó thở, viêm phổi, suy hô hấp cấp, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy và có thể gây suy tạng, đặc biệt là suy thận, nguy cơ tử vong cao; tỷ lệ chết/mắc từ 35% - 40%. Một số người nhiễm vi rút MERS-CoV có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng rất nhẹ, gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
Nguy cơ lây lan ở Việt Nam có vào mức báo động không, thưa ông?
Nguy cơ truyền dịch bệnh này vào Việt Nam là có thể bởi lượng người đi lại, giao thương giữa Hàn Quốc và Việt Nam rất nhiều. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, theo thống kê mỗi ngày có khoảng bảy chuyến bay đến từ Hàn Quốc với khoảng 1.000 đến 1.200 hành khách. Tuy nhiên, do người Việt sang Hàn Quốc thì cũng ít vào các bệnh viện Hàn Quốc, mà người dân Việt Nam có qua Trung Đông thì cũng chẳng mấy ai cưỡi hay uống sữa lạc đà nên khả năng lây nhiễm bệnh cũng không cao.
Thêm vào đó, virus MERS – CoV này thích nghi tốt nhất ở nhiệt độ tầm 20 độ và độ ẩm khoảng 40%, nhưng ở Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ lên khá cao và độ ẩm cũng cao, trung bình khoảng 60% nên khả năng thích ứng của vi rút này sẽ kém. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên chủ quan phòng chống dịch.
Ngoài ra, cần phải sớm tập huấn công tác phòng chống dịch cho các bệnh viện để các đơn vị này biết các biện pháp phòng ngừa, cách ly bệnh nhân kịp thời nếu khi dịch bệnh xảy ra.
Bác sỹ có lời khuyên gì cho người dân đã hoặc sắp đi du lịch ở các nước có nguy cơ nhiễm MERS – CoV cao?
Thực tế hiện nay cũng có nhiều người vì công việc hoặc tiếc tiền đặt tour du lịch nên vẫn đi đến các nước vùng Trung Đông, Hàn Quốc… Theo tôi, người dân nên hạn chế đi du lịch tới các vùng đang có dịch, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch …. Nếu phải đi, cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân, không nên vào bệnh viện, không tiếp xúc với lạc đà; lúc về phải khai tờ khai y tế khi nhập cảnh, tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.
Nếu người dân thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và xử trí kịp thời.