Coi chừng lá độc trong rau rừng trôi nổi
Nhiều loại rau rừng, được quảng cáo là “siêu sạch” đang được bán tại thị trường Hà Nội với giá khá chát, từ 60.000- 140.000 đồng/kg. Các chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp cảnh báo, cần cẩn trọng khi ăn loại rau này vì sợ lẫn lá độc.
Rau rừng nhiều khi xuất hiện ngay bên đường bán cùng với trái rừng. Ảnh: T.G
Rau ngon, lạ, giá chát
Rau rừng đang được nhiều người tìm mua là rau chùm ngây, bò khai, ngó xuân, sắng, ngót rừng, càng cua…: Rau bồ ngót và rau ngó xuân có giá 60.000 đồng/kg; bò khai 80.000- 100.000 đồng/kg; đắt nhất là chùm ngây với giá dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Bình, chủ cửa hàng rau sạch phố Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho hay: “Tôi bán rau rừng từ khoảng nửa năm nay như rau ngó xuân (rau cải thơm), là đặc sản Lào Cai, dùng để xào, nhúng lẩu, rau có mùi thơm ngon; Rau bồ ngót rừng lá to dài và dày có vị ngọt để nấu canh; rau chùm ngây, lá săng mào, lá bứa, lá tràm ổi, cần nước, lá mặt trăng, lá săng dẻ, quế vị… được nhập từ Phú Thọ”.
Cũng theo bà Bình thì rau rừng giá cao nhưng bà nhập về đến đâu hết đến đó, thậm chí nhiều người còn đặt tiền trước để có rau. Vị rau ai ăn rồi cũng nghiện vì ngon và lạ. Theo số điện thoại bà Bình cung cấp, chúng tôi liên hệ với ông Trần Văn Tuyến, xã Tề Lễ, huyện Tam Nông, Phú Thọ- nơi bà Bình vẫn thường nhập rau. Ông Tuyến cho biết, gia đình ông trồng 70 cây chùm ngây ở triền núi sau nhà đang cho thu hoạch lá. Trung bình 2 tuần thu hoạch lá non một lần, giá cất sỉ khoảng 70.000 đồng/kg. Gia đình ông cũng ươm nhiều cây non bán với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/cây. Các loại rau bò khai, bồ ngót, lá bứa, lá tràm ổi vẫn thu hoạch đều để cất sỉ xuống Hà Nội.
Cũng theo ông Tuyến, trong các loại rau rừng, chùm ngây là loại rau dễ trồng, ít tốn phân, ít bị sâu, thân gỗ, có thể cao tới 5-6m. Chùm ngây có thể trồng quanh hàng rào, dọc đường đi, trên rừng... Trồng khoảng 4-5 tháng là bắt đầu thu lá, cắt cành.
Tại Hà Nội, anh Nguyễn Ngọc Quỳnh (Hoàng Cầu, Đống Đa) là một trong những người tiên phong trong việc tìm đầu ra và quảng bá cho loại rau này. Anh Quỳnh cho biết: “Một lần lướt web tình cờ đọc được tác dụng của rau chùm ngây, có hàm lượng vitamin C hơn cam 7 lần, vitamin A hơn cà rốt 4 lần, canxi gấp 4 lần sữa, sắt gấp 3 lần cải bó xôi, đạm nhiều gấp đôi sữa chua và potassium gấp 3 lần trái chuối, tôi quyết định tìm đầu ra cho loại rau này. Trước đây, chùm ngây thường hái hoang dại nhưng hiện nay có nhiều hộ gia đình vùng cao đã trồng loại rau này. Cách nhận biết chùm ngây hoang dại và chùm ngây trồng là rau hoang dại lá nhỏ, đanh và dầy, rau trồng thì lá mềm, to bản hơn”.
Hiện tại anh Quỳnh cũng đang sở hữu 50 cây chùm ngây ở Ninh Bình. Anh bán online và đổ buôn cho các siêu thị, cửa hàng rau sạch. Chỉ đủ bán trong nội thành Hà Nội. Anh Quỳnh cho biết sắp tới anh sẽ liên doanh với vài người bạn để trồng thêm 500 cây chùm ngây phục vụ nhu cầu đang lên của thị trường.
Ngồi trong nhà vẫn mua được rau trên rừng
Hiện tại, các loại rau rừng thường được bán ở các quầy rau sạch, siêu thị và trên các trang mạng. Là người nghiền ăn rau rừng, chị Tạ Thanh Huyền, phố Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Tôi thường mua rau rừng như lá cóc, lá xoài, lá nhái về ăn kèm với thịt luộc rất ngon. Các loại rau rừng khác cũng khá nghiện nhưng giá đắt hơn cả thịt nên chỉ thỉnh thoảng mới mua ăn cải thiện. Chẳng hạn như rau chùm ngây giá 120.000- 130.000 đồng/kg nhưng hàm lượng dinh dưỡng tốt nên tôi chỉ cần mua 2 bó nhỏ 30.000 đồng về nấu canh thịt cả nhà ai cũng thích”.
Tại siêu thị Lotte Mart, Đào Tấn, rau rừng bán dạng cân có 5-6 loại bỏ chung một khay để khách hàng tự chọn trước khi đem cân, tính tiền với giá 50.000 đồng/kg. Hệ thống siêu thị Big C, Co.opmart cũng đã bắt đầu bán rau rừng.
Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết mới bán thử nghiệm rau rừng ở 5 siêu thị tại TP HCM và 1 ở Hà Nội (Hoàng Mai). Siêu thị không bán loại thu hái trong tự nhiên mà từ một trang trại ở Gia Lai trồng thử nghiệm các giống rau rừng.
Trên các trang mạng cũng chào bán nhan nhản các loại rau rừng, chỉ cần vào google gõ hai từ “rau rừng” đã hiện ra tới 734.000 kết quả. Trong đó chủ yếu là các trang mạng chào bán các loại rau rừng với những lời chào mời khá hấp dẫn: “Rau rừng không chỉ siêu sạch, không chỉ ngon ngọt, mát mà chất rừng của nó còn nằm ở mùi vị đặc trưng không thể nhầm lẫn với bất kì loại rau nào. Rau ngon ở độ giòn, nếu có có nấu quá lửa thì vẫn không bị nát”… Theo đó, nếu có nhu cầu mua rau rừng chỉ cần vài cái click là rau đã được mang đến tận nhà.
Theo ThS. Lương Văn Dũng, Phó Khoa Sinh học Trường ĐH Đà Lạt, về mặt khoa học, do lo ngại trước tình trạng rau xanh thiếu an toàn nên nhiều gia đình chuyển sang ăn rau rừng. Nhưng chưa thể khẳng định rau rừng là an toàn tuyệt đối vì vẫn chưa có nghiên cứu toàn diện về hợp chất bên trong của chúng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều đời của cộng đồng dân gian đã chứng minh phần lớn rau rừng đang sử dụng là an toàn. Chỉ lo khi rau rừng trở thành trào lưu tiêu dùng, nhiều người kinh doanh vào cuộc, việc thu hái đại trà có nguy cơ lẫn lá độc.
Chẳng hạn loại rau nhíp có hai dạng, một là dạng cây nhỏ ăn được và dạng cây không ăn được vì có thể gây ngộ độc. Hai loại này giống về hình dạng lá, màu sắc, lại mọc gần nhau nên rất dễ nhầm lẫn. Hoặc lá ngón – loại lá kịch độc có thể xuất hiện trong vùng thu hái rau rừng, nếu sơ ý hái nhầm vài lá cũng đủ gây nguy hiểm đến tính mạng người dùng, ThS Dũng khuyến cáo.
Các chuyên gia y tế được hỏi cũng khẳng định rau chùm ngây đã có công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, nó chứa hàm lượng dưỡng chất cao tốt cho cơ thể nhưng khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên ăn chùm ngây. Vì khi có thai, hormon thai nghén là progesterone bài tiết làm mềm tử cung khiến cơ tử cung không co bóp. Còn alpha-sitosterol trong rau chùm ngây gây co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai.
Vì vậy, người dân trước khi sử dụng bất cứ loại cây, rau rừng nào cần thận trọng, tránh bị “chặt chém”, mua phải rau rừng “rởm” và hạn chế tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để mọi người cùng nâng cao hiểu biết, ý thức khi thưởng thức đặc sản rau rừng.