Header Ads

Sâm Alipas đang được bán ở Việt Nam... không phải là sâm?

Trong thành phần "Sâm Alipas" không hề có chất nào được chiết xuất từ nhân sâm mà thay vào đó là cây mật nhân.

Tinh chất Eurycoma Longifolia là của cây bá bệnh, hay còn gọi là mật nhân.

Nghịch lý "sâm" nhưng thành phần không có nhân sâm

Mấy năm gần đây, trên thị trường xuất hiện một loại thực phẩm chức năng mang tên gọi “Sâm Alipas”. Được quảng cáo sản xuất tại công ty St-Paul Brands, Mỹ do Công ty cổ phần dược phẩm Eco nhập khẩu về, "Sâm Alipas" được nhiều người "săn lùng" với hi vọng có thể chữa được các chứng bệnh cường dương, liệt dương.

Tại các website alipasplatinum.com.vn và trang http://ecopharma.com.vn, Sâm Alipas được quảng cáo với những lời "có cánh" như: “là phát minh mới của các nhà khoa học Mỹ, kết hợp giữa tinh chất Eurycoma Longifolia và các thảo dược đặc hiệu cho nam giới, công thức Platinum được chứng minh tác dụng kích hoạt cơ thể tăng cường sản sinh Luteinizing tự nhiên giúp thúc đẩy quá trình sản sinh Testosterone nội sinh nhanh hơn, bền vững hơn, gia tăng khả năng sinh lý và sức khỏe toàn thân nam giới”. 

Mặc dù được quảng cáo như "thần dược" có tác dụng làm tăng ham muốn tình dục tự nhiên, cải thiện độ cương cứng của “cậu nhỏ”, duy trì sức khỏe sinh lý, sinh sản và sức khỏe toàn thân cho nam giới”… nhưng "Sâm Alipas" vẫn khiến dư luận nghi ngờ, bởi trong thành phần sản phẩm không đề cập đến "sâm".

Văn bản trả lời liên quan đến sản phẩm "Sâm Alipas" của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế)

Trước những băn khoăn của dư luận, trong văn bản trả lời câu hỏi liên quan đến sản phẩm "Sâm Alipas", Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, năm 2014, đơn vị này đã cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định cho sản phẩm thực phẩm chức năng Alipas Platium với nhãn sản phẩm là Alipas Platium “MEN’S GINSENG” được sản xuất tại Hoa Kỳ và được cơ quan chức năng của Hoa Kỳ cho phép lưu hành. Việc cấp chứng nhận trình tự đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, trong văn bản trả lời của Cục An toàn Thực phẩm hoàn toàn không đề cập đến yếu tố "sâm" mà chỉ đề cập đến cây Bách bệnh (còn gọi là Bá bịnh, Mật nhơn), thuộc họ thanh thất.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ trên báo Nhà báo và Công luận dược sỹ Đào Kim Long cho biết, trên thế giới hiện có 21 loại sâm, nhưng cây mật nhân không nằm trong 21 loại đó. Nguyên nhân là do trong thành phần của loài cây này không hề có chất saponin - cơ sở để phân biệt một thực vật có phải là nhân sâm hay không.

Đối chiếu với quảng cáo của “Sâm Alipas” và trong bảng công bố thành phần “Sâm Alipas”, cũng không hề tìm thấy chất saponin. Như vậy, rõ ràng, trên bao bì sản phẩm là “ginseng” có nghĩa là sâm, nhân sâm nhưng lại không có nhân sâm trong thành phần làm ra nó.

Cây mật nhân.

"Sâm Alipas" thực chất là gì?

Theo thông tin trên báo Sức khỏe Đời sống, cây mật nhân còn gọi là mật nhơn, cây bá bệnh, cây bách bệnh hay cây hậu phác nam, Tongkat ali (Malaysia), Pasak bumi (Indonesia), Tho nan (Lào), Antongsar, antogung sar (Campuchia), và tên tiếng Anh gọi là longjack…. có tên khoa học Eurycoma longifolia Jack. (Crassula pinnata Lour), thuộc họ Thanh thất Simaroubaceae, chi Eurycoma.

Đây là loại cây mọc hoang trong những cánh rừng thưa vùng Đông Nam Á. Ở nước ta, cây này mọc nhiều ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Giá bán của cây mật nhân rất rẻ, chỉ khoảng vài nghìn đồng một cân tươi, cân khô chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng. Bên cạnh công dụng chữa đau nhức gân xương, tê bì tay chân, rối loạn tiêu hóa... cây mật nhân còn có tác dụng cải thiện chức năng sinh lý và tăng cường sức khỏe tình dục.

Cây mật nhân, thành phần chính của "Sâm Alipas" được bán tràn lan ngoài vỉa hè.

"Nếu thành phần là cây mật nhân thì vì sao không ghi là mật nhân mà lại ghi là sâm làm gì? Với mức giá vài chục nghìn 1 cân mật nhân thì liệu "Sâm Alipas" được rao bán với mức giá từ 580.000 đồng đến hơn 700.000 đồng/lọ 30 viên như hiện nay có phải là "cắt cổ" người tiêu dùng quá không?"- một khách hàng cho hay.

Trao đổi trên báo điện tử Công lý, dược sỹ Đào Kim Long cũng cho biết, cách gọi "sâm Alipas" là chưa đúng và cảnh báo rằng, hiện nay, cụm từ "sâm" đang được sử dụng một cách tùy tiện trong nhiều sản phẩm ở Việt Nam như ở Học viện Quân y có nhiều sản phẩm quảng bá “Sâm Ngọc Linh nhân tạo”. Theo ông không thể gọi là sâm Ngọc Linh như vậy mà nên gọi là sinh khối sâm Ngọc Linh…

Theo Đời sống Plus/GĐVN
Loading...
Được tạo bởi Blogger.
VIETAD
VIETAD